Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2024

Tìm kiếm niềm vui của những tiện nghi nhỏ


Nếu bạn đang có những ngày cảm giác mệt mỏi, cạn kiệt vể cảm xúc và cảm thấy như cả thế giới đang quay lưng với bạn. Đây là những ngày mà bạn phải cố gắng nhận thấy trạng thái thể chất và tinh thần của bạn và tự hỏi xem bạn cần phải làm gì để vượt qua cái cảm giác bế tắc này.

Trong cuộc sống hối hả, việc tìm kiếm niềm vui trong những tiện nghi nhỏ có thể là chìa khóa để duy trì sự cân bằng và hạnh phúc. Khi cảm giác mệt mỏi và cạn kiệt chiếm lấy tâm trí, việc nhận thức và chăm sóc bản thân trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đôi khi, chỉ cần một khoảnh khắc yên bình, một ly trà nóng, hoặc một giấc ngủ ngắn có thể mang lại sự khác biệt lớn. Những thói quen tưởng chừng như đơn giản này có thể giúp chúng ta tái tạo năng lượng và tìm lại sự tập trung cần thiết để đối mặt với thách thức của cuộc sống.

Hãy nhớ rằng, mỗi bước nhỏ bạn thực hiện đều là một phần của hành trình lớn hơn hướng tới sự tự do và hạnh phúc trong tâm hồn. Và đôi khi, chính những điều nhỏ nhặt nhất lại là những điều quan trọng nhất. Những lúc như thế này đạo Phật sẽ dạy bạn tập trung ngồi thiền để tâm bạn tỉnh lặng trở lại. Nhưng nếu bạn không phải là đệ tử của Phật thì bạn chỉ cần chú ý một chút là một bứoc tiến lớn đối với hầu hết chúng ta. Bạn lơ là với cuộc sống và đã để cuộc sống vùi dập từng chút một mỗi ngày. Hảy dừng lại và tập trung vào những gì mà bạn cần phải làm. Tuy nhiên cũng không hẳn là bạn phải làm những điều này một cách hoàn hảo. Đạo Phật gọi điều này là " tùy duyên ", không có chuyện gì xảy ra mà không có lý do của nó và sự hiện hữu của nó chính là phải xảy ra và chúng sẽ biến mất và đó chính là lẽ "vô thường" của cuộc sống.

Vì vậy, nếu bạn nhận thấy bạn có thể dừng lại. Hít thật sâu, tập trung và nhìn lại chính minh xem bạn cần gì trong cuộc sống có thể giúp bạn tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn.


Mỗi người đều có những tiện nghi nhỏ mà chúng ta ưa thích. Tiện nghi nhỏ của bạn là gì? hảy tìm kiếm nó và chăm sóc bản thân nhé.

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2024

Thọ bát quan trai là gì?

 

Bát Quan Trai giới là một phương pháp tu hành trong Phật giáo, thường được áp dụng bởi người cư sĩ tại gia. Bát quan trai giới xuất phát từ chữ “uposatha” âm là Bồ-tát, tức là ngày đọc tụng giới bổn tỳ-khưu nửa tháng một lần. Đây cũng là ngày mà Phật tử thọ trì tám giới.

Theo nghĩa thông thường, bát quan trai là tám cửa thanh tịnh hoặc tám cửa đưa đến thanh tịnh. “Bát” là tám, “Quan” là cửa, và cửa này ngăn chặn 8 điều tội lỗi.

“Trai” nghĩa là sau khi đã qua giờ ngọ (12 giờ trưa), không được ăn nữa.

Bát Quan Trai giới giúp người tu hành giữ gìn cho thân tâm được thanh tịnh trong 24 giờ bằng cách ngăn chặn 8 điều tội lỗi sau đây:


1.Không sát sinh.

2.Không trộm cướp.

3.Không dâm dục.

4.Không nói dối.

5.Không uống rượu.

6.Không trang điểm, dầu thơm, múa hát và xem múa hát.

7.Không nằm ngồi giường cao rộng đẹp.

8.Không ăn quá giờ ngọ.



Người cư sĩ thường giữ tám giới gọi là Bát Quan Trai Giới (Uposatha) trong tám ngày Bát Quan Trai là mùng 5, mùng 8, 14, 15, 20, 22, 29 và 30 âm lịch hằng tháng. Trong truyền thuyết tín ngưỡng cổ xưa ở Ấn độ, người đời tin rằng vào các ngày đó ma quỷ thường quấy nhiễu loài người, và cũng là những ngày mà Thiên đế và bốn vị Hộ thế Thiên vương đi tuần hành nhân gian để giúp đỡ những ai làm điều thiện. Vì thế người đời bấy giờ mới bày ra chuyện dâng cúng phẩm vật, cầu khẩn thần linh phò hộ, trừ ma quỷ, ban cho nhiều điều phước, nhiều tài lộc, may mắn. Người tin Phật không tin vào những chuyện hối lộ Thần thánh kiểu đó; chỉ tin vào những nghiệp thiện ác do chính mình làm, và những hậu quả lành dữ của nó. Cho nên, thay vì cúng bái, cầu khẩn, chúng ta tu tập bát quan trai giới.


Hành giả nào thọ trì Bát Giới Uposathasīla được trong sạch và trọn vẹn thì tạo được phước báu đặc biệt, hưởng được an lạc đặc biệt trong kiếp này và vô số kiếp sau. Ngoài ra, Bát Quan Trai giới còn có nghĩa là sống gần với đời sống xuất gia, gần chùa chiền, gần nơi thanh tịnh. Điều này giúp tập quen với đời sống thanh tịnh và phát triển đức tính tốt trong mình.


Ngoài ra ý nghĩa của thọ bát quan trai là giúp cư sĩ hiểu biết sâu sắc về chữ "Niệm ". Niệm là nhớ, suy nghĩ, từ suy nghĩ cho đến chánh niệm. Trong tu bát quan trai giới, người Phật tử thọ giới được khuyên dạy là nên tu tập pháp môn lục niệm tức đối tượng để chiêm nghiệm và suy niệm. Đó là : niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Thí, niệm Giới, niệm Thiên. Đây cũng là một phần của việc tu định.


Niệm Phật, là niệm những phẩm tính của Phật. Phật là đáng Đại giác, đã diệt trừ phiền não, đạo đức toàn vẹn, không còn tham sân si; Phật là đấng Ứng cúng, Chánh biến tri, là đấng Giác ngộ hoàn toàn… Niệm Phật là nghĩ đến những đức đại từ, đại bi, đại trí, đại tuệ chứ không phải chỉ niệm mà không biết gì.


Niệm Pháp là niệm những lời dạy của đức Phật. Pháp của đức Thế Tôn vốn thanh tịnh, ly dục, nếu bạn thực hành thì có hiệu quả ngay, đem an lạc ngay trong hiện tại; pháp mà Phật giảng dạy là đến để mà thấy, để chứng nghiệm, chứ không phải đứng xa xa mà nghe. Nếu không đến, không thực hành, không chứng nghiệm thì không thể hiểu được. Đó là tính chất Pháp.


Niệm Tăng. Tăng là chúng đệ tử của Phật, những vị đang đi trên con đường thánh đạo, đang thực tập, là phàm Tăng hoặc là thánh Tăng đang hướng đến Niết bàn hay chứng đạo quả Niết bàn, đều có thật những vị Tăng trong thế gian. Niệm Phật, Pháp, Tăng để có chánh tín rằng có Phật ngay trong cõi đời này.


Niệm Thí là suy niệm về sự thực hành bố thí có hiệu quả. Ở thế gian thực tập hạnh thí xả; xả bỏ tiền tài, danh vọng, không tham lam chấp trước tài sản.

Niệm Giới là suy niệm làm thế nào giới không bị khuyết, không bị vỡ, không bị sứt mẻ, không bị hoen ố, không bị tì vết như viên ngọc, phẩm chất trong sáng.

Niệm Thiên là suy niệm rằng ngoài cõi người này còn có cõi trời, thế giới của thiên thần, xa hơn nữa có thế giới của Bồ Tát, của Phật, ít nhất là trên cõi người còn có những thế giới cao hơn con người.

Nếu vun trồng được thiện căn, cơ bản là thành tựu được bát quan trai giới, nó sẽ phát sinh ra hiệu quả bạn sẽ thấy, cảm nhận được Phật Pháp vi diệu, đưa bạn lên đời sống cao hơn, càng thấy phẩm giá càng lúc càng lên cao. 

Với người xuất gia, giới luật là khuôn mẫu đạo đức, noi gương đời sống của một vị A La Hán. Đối với người tại gia, việc tập gần, tập làm quen với đời sống thanh tịnh sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa và hướng đi cho cuộc sống của mình.Phật pháp không lìa khỏi thế gian. Điều đó có nghĩa Phật pháp chính là sự sống. Hiểu Phật pháp là hiểu lẽ sống của mình. Sống phải biết mục đích sống, tại sao mình sống, tại sao mình chết. Sống cả cuộc đời, làm ăn vất vả lam lũ, may mắn thì làm vua làm chúa, cuối cùng chả biết đi về đâu; thế thì uổng phí cả cuộc đời rồi.


Thiên Lan sưu tầm

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2024

Ba cái ngu trong đạo Phật

lạc trong đạo Phật là cảm giác dễ chịu và và khổ là cái gì đó gây khó chịu. Điều này do quả lành đời trước bây giờ ta được hỷ lạc. Do quả khổ đời trước bây giờ ta bị khổ ưu. Khi tâm ta nhận biết cảm xúc dễ chịu thì dừng lại đừng để tâm đi xa hơn nữa , cũng như khi tâm khó chịu chỉ là cái khó chịu và đừng đi xa hơn nữa. Quan trong hơn đó là đừng tiếp tục tạo nghiệp mới trên cái quả cũ, cho dù là quả này lành hay ác. Bởi vì chúng ta là phàm phu khi không chịu tu tập thích làm ác hơn làm thiện, nhưng tới lúc chịu quả thì thích quả thiện hơn là quả ác.

Ba cái ngu trong đạo phật :

Cái ngu thứ nhất là thích làm ác hơn làm thiện.

Cái ngu thứ hai là thích hưởng quả thiện và sợ quả ác. Bậc Thánh không có thích quả thiện và sợ quả ác. Còn chúng ta làm thì thích làm ác không thích làm thiện, tạo nhân thì tạo nhân ác hơn nhân thiện mà lúc hưởng quả thì thích hưởng cái quả thiện hơn là quả ác. 

Cái ngu thứ ba là chúng ta đón nhận quả thiện bằng tâm tham và đón nhận quả ác bằng tâm sân.

Đây là sự ngớ ngẩn ba lần! Vì vậy, ở đây, lời dạy dỗ rõ ràng như sau: Hãy để niềm vui là niềm vui, nó là một phần của cuộc sống. Hãy để nỗi đau là nỗi đau, nó cũng là một phần của cuộc sống. Đừng biến chúng thành những vấn đề lớn hơn.

Chúng ta may mắn sinh ra với vẻ đẹp, hãy để vẻ đẹp ở đó - đừng lạm dụng nó để làm điều xấu. Nếu chúng ta giàu có, thông minh, và khỏe mạnh, hãy sử dụng những tài năng đó để làm những việc tốt hơn cho xã hội. Đừng lạm dụng chúng để thỏa mãn bản thân, để theo đuổi những thú vui vô nghĩa, để rồi gặp phải những hậu quả không mong muốn trong tương lai.

Ở đây có một sự sâu sắc. Kinh điển dạy rằng: sáu căn là sáu căn, sáu xúc là sáu xúc, sáu trần là sáu trần; không nên liên kết chúng lại với nhau bằng niềm đam mê. Làm như vậy chỉ gieo mầm khổ đau.

Nhiều người hiểu lầm cái này lắm. Họ tưởng đâu Phật là người chủ trương tu hành phủ nhận quá khứ. Không phải vậy. "Quên quá khứ" ở đây chúng ta phải hiểu như thế này: Đừng nghĩ về quá khứ một cách không cần thiết. Nghĩ về quá khứ để mà tham, để mà giận thì không nên. Nghĩ về quá khứ để mà đau khổ thì không nên. Khi cần thiết chúng ta nhắc đến quá khứ vì đó là kinh nghiệm quan trọng, vì đó là một bài học quan trọng thì nên nhắc về quá khứ. Còn nếu nhắc về quá khứ chỉ để thêm phiền não, để giận, để sợ, để ghen tuông, tị hiềm thì không nên.

Tương lai cũng vậy, chúng ta tu Phật không phải là phủ nhận tương lai. Nhưng mà chúng ta không nên nghĩ về tương lai bằng cái kiểu hoài vọng, u mê, mù quáng của người không biết đạo. Đầu tư cho một cái mù mờ không thấy rõ thì cái đó không có nên. Nhưng nếu chúng ta có những trù hoạch, những kế sách thông minh cho tương lai một cách cần thiết thì là chuyện nên làm. Đặc biệt ở đây tôi đang nói đến đạo giải thoát chứ tôi không nói đến chuyện làm ăn ngoài đời. Mặc dầu ở ngoài đời cũng vậy. Chúng ta chỉ nghĩ hoài vọng về tương lai một cách cần thiết, chứ không thể nào tay cầm một cập vé số mà cứ nhìn cái villa, một ngày nào đó mình có chiếc xe hơi đắt tiền, mình có một cái resort riêng tư thì cái đó thì hơi đi quá xa.

Tôi nói đi nói lại không biết bao nhiêu lần, Đạo không phải là bôi tro trét trấu cuộc đời. Đức Phật không nói xấu cuộc đời, Ngài không có bi quan hóa cuộc đời, Ngài không nói cuộc đời này là máu lệ. Ngài chỉ nói rằng mọi thứ không bền. Chúng ta bây giờ có đầu tư bao nhiêu thứ, chúng ta có giàu có, có thông minh, có nhan sắc ... thì rồi ngày sau chúng ta vẫn phải sống bằng tâm trạng của người lờ đờ tám mươi, một trăm tuổi. Đó là chuyện trước mắt. Chưa kể nếu chúng ta cứ đam mê trong đó thì một khi tắt thở rồi chúng ta đi về đâu chỉ có trời mới biết.

Phỏng theo pháp thoại sư Toại Khanh


Thiên Lan

Thứ Năm, 9 tháng 5, 2024

Mất kiên nhẫn đang hủy hoại cuộc sống

 

Trong thời buổi hiện nay, mọi thứ đều phải nhanh, và cũng từ đó, nhiều người trong chúng ta nôn nóng tìm kiếm thành công, tiền của, sự phát triển, tình yêu,… Chúng ta thấy ai đó với một món đồ sang trọng trên tay thì nói rằng họ thành công ở một lĩnh vực nào đó. Và chúng ta cũng muốn được tương tự như vậy - ngay bây giờ. Những mong muốn dựa trên cảm tính này xuất phát từ ảo tưởng rằng chúng ta hoàn toàn kiểm soát được cuộc sống của mình. Nhưng trên thực tế thì không phải vậy.

Sự mất kiên nhẫn có thể tạo ra một chuỗi phản ứng tiêu cực trong cuộc sống của chúng ta. Khi chúng ta không cho phép bản thân mình thời gian để đạt được mục tiêu hoặc để thích nghi với những thay đổi, chúng ta thường cảm thấy thất vọng và căng thẳng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần mà còn có thể gây hại cho sức khỏe của chúng ta. Mất kiên nhẫn cũng có thể làm hỏng mối quan hệ với người khác, khi chúng ta trở nên cáu kỉnh hoặc không chịu lắng nghe. Ngược lại, việc nuôi dưỡng sự kiên nhẫn giúp chúng ta phát triển một thái độ tích cực hơn, cho phép chúng ta đánh giá cao quá trình hơn là chỉ tập trung vào kết quả. Kiên nhẫn không chỉ giúp chúng ta giữ được sự bình tĩnh trong những tình huống khó khăn mà còn mở ra cơ hội để chúng ta học hỏi và phát triển từ những trải nghiệm đó. 

Trong tình yêu, tôi muốn nói đến tình yêu thương với tất cả mọi người không chỉ riêng tình yêu đôi lứa, với bản chất kiên nhẫn và khoan dung của mình, là một hành trình không ngừng nghỉ mà không cần đến điểm đến cuối cùng. Nó không đòi hỏi sự hoàn hảo, không đặt ra điều kiện, và không tự phục vụ. Trái lại, sự mất kiên nhẫn thường xuất phát từ lòng ích kỷ và mong muốn thỏa mãn nhu cầu cá nhân ngay lập tức. Khi tình yêu trở nên kiên nhẫn, nó trở thành một lực lượng mạnh mẽ có khả năng chịu đựng, tha thứ, và hiểu biết sâu sắc về người khác. Đó là sự cho đi không toan tính, một dạng của sự cảm thông và liên kết sâu sắc với những người xung quanh. Sự mất kiên nhẫn, với bản chất vội vã và tự tâm, không thể đồng hành cùng tình yêu thực sự, bởi nó không chấp nhận được sự chậm trễ hay không hoàn hảo, điều mà tình yêu thực sự thường đòi hỏi.

Chúng ta thường có ảo giác cho rằng ta có thể kiểm soát được tất cả. Tuy nhiên quản lý kỳ vọng và chấp nhận sự không chắc chắn là bước quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng tâm lý và sức khỏe tinh thần. Việc nhận ra rằng không phải mọi sự kiện đều nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta giúp giảm bớt áp lực và cho phép chúng ta đối mặt với thất bại một cách lành mạnh hơn. Đặt mục tiêu và lập kế hoạch là quan trọng, nhưng cũng cần phải linh hoạt và sẵn sàng thích nghi với những thay đổi không lường trước được. Sự kiên nhẫn không chỉ là chấp nhận sự thật mà còn là khả năng giữ vững niềm tin khi đối diện với những thách thức. Nó cho phép chúng ta tận hưởng hành trình mà không chỉ tập trung vào điểm đến, từ đó mở ra cánh cửa cho sự sáng tạo và khám phá không giới hạn. Cuộc sống là một chuỗi các sự kiện không ngừng thay đổi, và việc học cách điều chỉnh kỳ vọng của chúng ta là chìa khóa để sống một cuộc đời hạnh phúc và ý nghĩa.Kiên nhẫn là chìa khóa để duy trì sự cân bằng và hạnh phúc trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.



Thứ Tư, 8 tháng 5, 2024

Kham Nhẫn

Trích bài giảng Kinh Pháp Cú 77.

Những người hay khuyên dạy, Ngăn người khác làm ác,

Ðược người hiền kính yêu, Bị người ác không thích.

Ovadeyyānusāseyya, asabbhā ca nivāraye;

Satañhi so piyo hoti, asataṃ hoti appiyo.


Mỗi chúng sanh phàm phu cũng giống như một người bịnh vậy. Chúng ta có biết được mình bịnh, biết được nhu cầu thuốc men của mình thì mình mới chịu đi bác sĩ, mới chấp nhận các liệu pháp, các thứ thuốc cay đắng, mặn chát. Còn nếu như mình có bịnh mà mình không có biết rõ, không ý thức được, không nhận ra được tình trạng căn bịnh của mình, và từ đó mà mình khó chấp nhận hay xử dụng các liệu pháp, phương thức phục dược,thì nói chi là tìm đến các vị lương y, thầy thuốc.

Thì trong đời sống hay sự tu chứng của mỗi người phật tử cũng như vậy. Khi chúng ta không nhận ra được nhu cầu tu học của mình thì chúng ta không thể nào chấp nhận được những lời giáo hóa. Chúng sanh trong đời là vậy thôi. Ở đây Đức Phật cũng đã nói rõ có hai hạng người, tốt (santa) và xấu (asanta). Người xấu là người không nhận ra được tam nghiệp của mình nên không chấp nhận những cái liệu pháp mà người khác họ giúp đỡ cho mình để mình tự chữa trị giải quyết những vấn đề của chính mình. Đó là lý do Đức Phật dạy rằng người ác thì không thể kham được, không thể cam được hay chấp nhận được những lời giáo hóa. Vì họ là một bịnh nhân mà không nhận ra là mình bị bịnh, không nhận ra được những vần đề của bản thân. Còn người thiện thì trong quá trình hoàn chỉnh bản thân thì cái đầu tiên là họ nhận ra được những vấn đề của bản thân họ.


Giống như một câu pháp cú mà chúng ta cũng đã bàn qua rồi: Người ngu mà biết mình ngu thì nhờ vậy là có được trí. Còn người ngu mà tưởng là mình trí thì đó mới thật là kẻ ngu. Chúng ta có thể hiểu câu kệ này qua một hướng khác, tương tự như vậy. Người bịnh mà biết mình bịnh thì nhờ vậy mà có thể có lúc hết bịnh. Còn người bịnh mà cứ ngỡ là mình khỏe thì không cách gì hết bịnh được. Khi mình thấy ra được các vấn đề của bản thân thì mình mới chấp nhận những đóng góp, những giải pháp mà người khác họ đề nghị cho mình. Nếu bản thân mình có vần đề với thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp, nhưng mình không nhận ra được những vấn đề đó thì mình không thể nào cam tâm tiếp nhận những giải pháp mà người khác họ đề nghị cho mình.


Câu kệ này thì cũng giống như vô vàn những câu kệ trong kinh điển. Đó là có nhiều khi xét trên mặt chữ nghĩa thì rất là bình thường, chỉ cần liếc mắt qua cũng thấy là chuyện rất là dễ hiểu, ai xem qua cũng thấy cả. Nhưng khi đọc phải có lao tâm, có khổ công thì chúng ta mới nhận ra được tôn ý của Đức Thế Tôn sâu sắc hơn cái nghĩa bình thường nhiều. Câu kệ này không chỉ áp dụng cho đời tu mà còn áp dụng cho cuộc sống thường nhật của mình trong xã hội. Câu kệ này không chỉ dành cho hạng xuất gia mà còn có tác dụng hiệu quả nhất định cho hạng cư sĩ tại gia.


Chúng ta đi chùa thì có thể vì lý do duy nhất là cầu phúc, gầy dựng công đức cho riêng mình. Nhưng có thể một thời pháp, một câu nói nào đó của chư tăng làm cho mình bị sốc. Và từ đó mình không đi chùa nữa. Mình bị sốc mình không tiếp tục nghe pháp nữa. Đó cũng là một cái thiệt thòi cho mình.


Tôi từng biết có một số phật tử vào chương trình này nghe giảng. Rồi trong một lúc nào đó họ nghe chư tăng trả lời những câu thắc mắc mà vô tình nó chạm vào một cái mụn nhọt tự ái, mun nhọt ngã chấp nào đó của họ. Thế là họ không đi nghe pháp nữa. Họ tránh qua một chương trình giảng khác hoặc là lập một trương mục khác. Đó là trường hợp mình bị bịnh mà mình không nhận ra căn bịnh của mình.


Phải nhận rằng có một điều mà chúng ta ít để ý. Đó là khi mình được người khác khen mình không có khả năng kham nhẫn.


Chữ kham nhẫn lâu nay vẫn thường bị nhiều phật tử hiểu một cách rất là chật hẹp. Tức là chỉ hiểu kham nhẫn là sự chịu đựng trước những thử thách cay đắng, nghiệt ngã của cuộc đời, trước những tấn công của cuộc đời vào cái ngã của mình. Mình gọi cái khả năng chịu đựng những tấn công cay đằng đó là kham nhẫn. Nhưng thật ra trong kinh điển chữ kham nhẫn nghĩa rất là rộng. Kham nhẫn là sự chịu đựng, sự tăng cường bản năng trước mọi áp lực của phiền não, dầu là tham hay ưu.


Ở đây có sự trùng hợp ngẫu nhiên về ngữ âm rất thú vị và giúp cho mình dễ nhớ. Trong chữ Hán có chữ Kham (堪) và chữ Cam (甘) là sự cam chịu, chịu đựng. Trong tiếng Pali lại có chữ khamati cũng có nghĩa là chịu đựng, kham nhẫn.


Chịu đựng hay dằn lòng trước một cám dỗ là kham nhẫn. Và chịu đựng hay dằn lòng trước một thử thách nghiệt ngã cũng là kham nhẫn.

Khi mình được người khác khen mà mình không có tự chủ, mình để cho lòng mình chìm theo vào đó, đam mê, thích thú, đắm đuối theo đó, quen cái thói tật theo đó thì đến khi mà mình bị người khác họ chê hay họ chửi mình chịu không nổi. Vì mình là một đứa bé trong trường đời, quen ăn ngọt, nghiện ăn kẹo, nghiện ăn bánh, không tự chủ trước những bánh kẹo, trước những vị ngọt của trần gian nên khi mình gặp vị đắng mình chịu không nổi. Con nít nó mê kẹo mê bánh nên khi nó bị rơi vào hoàn cảnh phải uống thuốc đắng nó rất lấy làm đau khổ. Người lớn mình thì khác. Trước những cái vị ngọt của bánh kẹo mình có sự tự chủ, có khả năng kềm chế của mình. Thì chính cái khả năng đó vô tình nó trở thành một nguồn tâm lực để mình có thể chịu đựng được trong trường hợp mình phải uống hay ăn cái gì đắng, chát, cay, mặn; như uống thuốc chẳng hạn. Đó là một kinh nghiệm tu chứng rất là quan trọng.

Những cái gì Đức Phật Ngài dạy mà chúng ta chưa có thời giờ, cơ hội hoặc chưa chịu tu học thì mình không thể hiểu được tôn ý của Đức Thế Tôn. Tất cả những lời dạy của Đức Phật đều có dụng ý rất là quan trọng, rất là sâu sắc. Cái chánh niệm tỉnh giác của một hành giả trước mọi cảnh đời ngọt ngào hay cay đắng, như Đức Phật đã dạy qua kinh Tứ Niệm Xứ, có một giá trị tuyệt đối quan trọng. Đó là một khi mình có sự bình tĩnh đối với vị ngọt thì mình cũng sẽ có sự bình tĩnh với vị đắng. Khi người ta khen mình mà mình chịu được thì khi người ta chê mình mình cũng chịu được. Và khi người ta nhắc nhở dạy dỗ mình bằng một phương thức nghiêm khắc mình cũng có thể chịu đựng được. Vì sao? Vì nói theo ngôn ngữ đời thường thì chúng ta đã có được một sự trưởng thành ở trong tâm tưởng, có được sự già dặn trong khả năng chịu đựng cuộc đời. Những cơn bão tố trong cuộc sống luôn được khởi đi từ những cơn gió nhẹ.


Pháp thoại sư Toại Khanh

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2024

Hãy chú ý đến lời nói

Nếu lưỡi được làm bằng thuỷ tinh, hẳn sẽ nhiều người cẩn thận hơn với lời nói của mình. Chúng ta rất dễ tổn thương bởi lời nói . Cho dù bạn có nhắc nhở rằng lời nói của ai đó trong lúc tức giận hay vô tình thì không nên để ý nhưng cảm xúc của chúng ta cũng vẫn là không vui. Thông thường khi giận lên ta sẽ trút sạch nói ra hết mà không cần biết đối phương cảm thấy thế nào. Cho nên trong nhà thiền luôn khuyên chúng ta phải tập hít thở khi tâm trạng không tốt.


Bạn bè thân thiết và những người chúng ta thương yêu đôi khi lại là những người làm cho ta tổn thương nhiều hơn. Cho nên chúng ta phải biết chăm sóc cái lưỡi của mình để cho lời nói của chúng ta không làm tổn thương người khác. Đừng coi nhẹ sức tàn phá nhau như thế nào khi ta nói lời tức giân.Hay nói khi vô tâm không suy nghĩ . Một lời hứa lúc vui miệng. Nói yêu một người bạn cho vui thôi hay là đùa không đúng lúc.


Chính vì lời nói có sức mạnh kỳ diệu, có thể chữa lành hoặc làm tổn thương,vì vậy, chúng ta cần phải học cách sử dụng chúng một cách khôn ngoan. Như những người thợ thủ công làm việc với thuỷ tinh, chúng ta cũng cần phải tinh tế và cẩn trọng với từng lời nói, nhớ rằng mỗi câu nói đều có thể để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn người khác. Khi tâm trạng không tốt, hãy nhớ rằng hơi thở có thể là phao cứu sinh, giúp chúng ta lấy lại sự bình tĩnh và suy nghĩ rõ ràng hơn trước khi phát ngôn. Khẩu nghiệp là một nghiệp chướng. Nếu bạn biết rằng những lời cay nghiệt ta nói ra không thể giúp cuộc sống của chính chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, không khiến chúng ta cảm thấy ổn hơn thì bạn có nói ra những lời cay nghiệt không?


Cổ nhân cũng có dạy: “Bệnh tùng khẩu nhập, hoạ tùng khẩu xuất”, nghĩa là: Bệnh từ cái miệng do ăn uống mà đem vào, họa cũng từ cái miệng do nói chuyện thị phi mà tạo ra. Phật dạy trong 10 cái nghiệp của con người thì trong đó cái miệng đã chiếm 4:


1.Chuyện không nói có, chuyện có nói không 

2. Nói lời hung ác- 

3.Nói nước đôi

4.Nói lời thêu dệt.


Kết luận : Nếu chúng ta, ai trước khi nói hay viết mà chịu suy nghĩ một chút, hẳn nhiều chuyện đớn đau chẳng xảy ra! Trong cuộc sống, lời nói có thể là phương tiện giao tiếp mạnh mẽ nhất của chúng ta, có khả năng xây dựng cũng như phá hủy.Lời nói như những viên ngọc quý, có thể làm lành những vết thương tâm hồn hoặc trở thành mũi tên sắc nhọn gây tổn thương sâu sắc. Khi chúng ta chọn lời lẽ của mình cẩn thận, chúng ta không chỉ bảo vệ người khác khỏi sự tổn thương mà còn nuôi dưỡng mối quan hệ và tạo ra sự hiểu biết lẫn nhau. Đó là lý do tại sao việc lắng nghe cẩn thận và phản hồi với lòng từ bi và sự hiểu biết là quan trọng. Bởi vì, cuối cùng, những gì chúng ta nói không chỉ phản ánh suy nghĩ của chúng ta mà còn ảnh hưởng đến thế giới xung quanh chúng ta. Và trong mối quan hệ với bạn bè và người thân, hãy nhớ rằng sự chân thành và lòng tốt luôn là chìa khóa để xây dựng niềm tin và sự gắn kết. Hãy để mỗi lời nói của chúng ta không chỉ là âm thanh, mà còn là cầu nối của tình thương và sự hiểu biết.


Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2024

3 câu hỏi giúp bạn tìm ra hạnh phúc

 Bạn đã bao giờ tự hỏi rằng hạnh phúc là gì? “Hạnh phúc” là một khái niệm vô cùng rộng lớn và mỗi người sẽ có những quan điểm riêng biệt khi định nghĩa về chúng. Và giữa muôn vàn định nghĩa, quan trọng nhất là bạn nhận ra điều đem đến cho bản thân nguồn năng lượng tích cực và tình yêu cuộc sống.


Đôi khi câu trả lời cho một câu hỏi phức tạp lại rất đơn giản. Bí mật của hạnh phúc chỉ gói gọn trong 3 câu hỏi giản đơn dưới đây.

1. “TÔI CHĂM SÓC BẢN THÂN ĐÃ TỐT CHƯA?”

Giữa guồng quay hối hả của công việc, đôi khi chúng ta lại quên đi việc chăm sóc bản thân và để những thói quen có hại cho sức khỏe dần len lỏi vào cuộc sống như chế độ ăn uống thiếu khoa học, ngủ trễ, không tập thể dục, uống ít nước. Về lâu dài, những hành vi này sẽ tác động tiêu cực không chỉ với sức khỏe thể chất mà còn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần như căng thẳng, rối loạn lo âu hay trầm cảm. Do vậy, chú ý chăm sóc sức khỏe là yếu tố cốt lõi giúp bạn có thể hưởng thụ cuộc sống viên mãn.

Một số nghiên cứu chỉ ra những thay đổi nhỏ trong lối sinh hoạt hằng ngày có thể tác động đến niềm hạnh phúc trong cuộc sống mỗi người. Ví dụ, việc dành ra 30 phút mỗi ngày cho các hoạt động thể chất sẽ giúp xua tan stress vô cùng hiệu quả. Không những vậy, bạn cần chú ý đến chế độ ăn uống hằng ngày, đảm bảo bản thân luôn hấp thu đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết và tránh các món chiên xào, nhiều đường hóa học… Ngoài ra, bạn có thể áp dụng một số phương pháp đơn giản mỗi ngày để cải thiện sức khỏe tinh thần của mình như thực hành chánh niệm, sử dụng nến thơm, đắp mặt nạ dưỡng da, dọn dẹp nhà cửa, trồng cây xanh trong nhà hay nhâm nhi một tách trà hoa cúc ấm nóng. 
 
2. “TÔI DÀNH PHẦN LỚN THỜI GIAN CỦA MÌNH CHO AI?”

Có một sự thật là những người bạn thường xuyên tiếp xúc có tác động trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của bạn. Khi dành nhiều thời gian với những người sống lạc quan, bạn sẽ nhận thấy bản thân phát triển theo chiều hướng tích cực, tăng cường sự tự tin và giải tỏa căng thẳng. Ngược lại, việc ở trong một mối quan hệ độc hại khiến bạn cảm thấy kiệt quệ về thể xác lẫn tinh thần. Ngay khi nhận ra vấn đề, bạn có thể dành một vài phút để suy ngẫm, đánh giá về các mối quan hệ chỉ mang đến sự tiêu cực và hạn chế tương tác với họ.

Bên cạnh đó, việc dành nhiều thời gian cho các mối quan hệ ảo sẽ hạn chế khả năng giao tiếp xã hội, giảm sự tập trung, đẩy bạn rơi vào tình trạng lo âu, căng thẳng quá mức. Do vậy, bạn nên tập trung cho việc tạo kết nối trực tiếp với mọi người xung quanh vì điều này sẽ đem lại cho bạn những mối quan hệ chất lượng, sâu sắc hơn. Sau cùng, chúng ta cần hiểu rằng các mối quan hệ luôn thay đổi và phát triển theo thời gian. Nhiều người sẽ đến và rời khỏi cuộc sống của chúng ta và đó là điều không thể tránh khỏi trong quá trình trưởng thành. Chấp nhận những thay đổi này với thái độ thỏa hiệp, lạc quan sẽ giúp ta sống an yên hơn, mở lòng đón nhận những kết nối và trải nghiệm mới. 

3. “CÔNG VIỆC TÔI LÀM MỖI NGÀY LÀ GÌ VÀ TẠI SAO TÔI PHẢI THỰC HIỆN CHÚNG?”
Đây là câu hỏi mà bạn có lẽ sẽ mất kha khá thời gian để tìm ra câu trả lời, vì quan điểm về việc tìm thấy niềm hạnh phúc trong công việc đối với mỗi người thực sự rất khó để nhận xét. Trong quá trình ấy, bạn sẽ thấy rằng tìm ra điểm cân bằng của công việc vừa giúp bạn ổn định về tài chính và vừa là đam mê mang lại niềm vui cho bản thân.  Công việc chiếm phần lớn thời gian trong cuộc đời mỗi người, do đó việc tìm kiếm hạnh phúc trong công việc là vô cùng quan trọng. Bạn nên hiểu rằng để có thể gắn bó với công việc trong một khoảng thời gian lâu dài, bạn cần phải đủ năng lượng để sống hết mình với nó. Chẳng hạn, niềm vui trong công việc đôi khi chỉ đơn giản là nhận được một lời khen từ đồng nghiệp, được sếp ghi nhận đóng góp… và  bạn sẽ được tiếp thêm động lực để phấn đấu, gặt hái nhiều thành tựu lớn lao. Ở khía cạnh khác, nếu nhận thấy công việc hiện tại không giúp bạn tiến triển trong tương lai, bạn nên cân nhắc chuyển sang công việc mới phù hợp hơn với định hướng bản thân. Ngoài ra, bạn cũng đừng nên bỏ qua cơ hội học tập để phát triển sự nghiệp, chẳng hạn như: học thêm một ngôn ngữ mới, tích lũy kiến thức chuyên môn thông qua việc đọc sách báo hay trau dồi các kỹ năng máy tính. 


Kết luận

Hạnh phúc là một hành trình cá nhân, không có công thức chung cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, việc tự hỏi và trả lời ba câu hỏi trên có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về những gì thực sự quan trọng đối với bản thân mình. Chăm sóc bản thân không chỉ là việc giữ gìn sức khỏe thể chất mà còn là việc nuôi dưỡng tâm hồn, tìm kiếm niềm vui trong những điều nhỏ nhặt hàng ngày. Mối quan hệ bạn chọn dành thời gian cũng phản ánh giá trị bạn đặt vào chúng; những mối quan hệ tích cực sẽ nuôi dưỡng tinh thần bạn và giúp bạn phát triển. Cuối cùng, việc nhìn nhận và đánh giá lại những gì bạn đã đạt được, không chỉ về mặt vật chất mà còn về mặt tinh thần, sẽ giúp bạn thấy được giá trị của hạnh phúc trong cuộc sống. Những câu hỏi này không chỉ là bước đầu tiên để tìm ra định nghĩa của hạnh phúc mà còn là cách để bạn tiếp tục duy trì và phát triển nó trong cuộc sống hàng ngày.

Sưu tầm from the internet

Tìm kiếm niềm vui của những tiện nghi nhỏ

Nếu bạn đang có những ngày cảm giác mệt mỏi, cạn kiệt vể cảm xúc và cảm thấy như cả thế giới đang quay lưng với bạn. Đây là những ngày mà bạ...